I - Tổng quan về yêu cầu của cây sầu riêng
- Khí hậu: Nhìn chung với khí hậu nhiệt đới gió mùa như ở Việt Nam rất thích hợp để trồng cây sầu riêng, yêu cầu chung của cây sầu riêng là phải có sự phân biệt rõ rệt giữa 2 mùa mưa nắng, để tạo điều kiện cho cây phân hóa mầm - hoa. Lượng mưa hàng năm từ 1500 - 2000mm
- Đất đai: Yêu cầu phải là đất thoát nước tốt, độ màu mỡ cao, tầng canh tác từ 1 - 2m. Độ pH của đất từ 5-6
- Ánh sáng: Sầu riêng là thân gỗ, tán lớn, sống lâu năm, do đó khi trồng nên trồng thuần hoặc xen canh với các cây có tầng sinh trưởng thấp như cà phê, ca cao, đinh lăng nếp...
- Các khu vực có thể trồng sầu riêng: Ở Việt Nam, cây sầu riêng có thể trồng, sinh trưởng tốt và đảm bảo về năng suất khi trồng ở Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Đồng Bằng Sông Cửu Long. Các vùng ngập nước yêu cầu phải tiến hành đắp mô, đánh mương để chủ động việc thoát nước. Các tỉnh phía Bắc có thể trồng được nhưng do những bất lợi về thời tiết như sương muối, gió lào, rét hại... sẽ không đảm bảo về năng suất cũng như chất lượng trái
II - Lựa chọn giống sầu riêng
- Hiện nay các giống sầu riêng bà con nên canh tác có thể kể đến là giống sầu riêng Thái (Dona - Monthong), Sầu riêng Ri6, Sầu riêng Musang King Malaysia...
- Các giống kể trên đều là giống năng suất cao, cơm vàng, hạt lép, trọng lượng trái từ 2-4kg. Giá thu mua rất cao. Mùa vụ 2016 - 2017 giá thu mua tại vườn lên đến 70.000 - 80.000đ/kg mang lại nguồn thu nhập không nhỏ cho bà con nông dân
- Cây giống sầu riêng thường được nhân giống bằng phương pháp ghép nêm hoặc ghép mắt, đây là phương pháp nhân giống vô tính. Giúp duy trì gần như 100% ưu điểm của cây mẹ
III - Mật độ và khoảng cách trồng sầu riêng
- Trồng thuần: Khoảng cách trồng 8x8m hoặc 8x10m. Tương đương 125 - 156 cây/hecta
- Trồng xen: Khoảng cách trồng 9x9m hoặc 9x12m. Tương đương 70 - 100 cây/hecta
IV - Chuẩn bị đất trồng, cách đào hố trồng sầu riêng
- Đất trồng cần dọn sạch sẽ cỏ rác, rễ cây, đá tảng... dọn mặt bằng, cần thiết có thể cày xới để tạo độ tơi xốp cho đất. Đối với đất đã trồng các loại cây lâu năm trước đó, nên canh tác 2-3 vụ màu trước khi chuyển sang trồng sầu riêng. Ưu tiên các các cây họ đậu, giúp tăng thêm chất mùn cho đất đồng thời loại bỏ các mầm bệnh còn sót lại từ trước
- Hố trồng (đối với đất ở các vùng cao, không ngập nước) có kích thước 40x40x40cm. Bón lót 15-20kg phân chuồng hoai mục + 0,3 - 0,5 kg phân lân + 1 muỗng canh nấm đối kháng Trichoderma + thuốc chống mối mọt như Basudin, Furadan
- Mô trồng (đối với đất ở đồng bằng, có nguy cơ ngập nước): Bà con tiến hành đắp mô và đào mương xen kẽ, mỗi mô đất rộng 5-7m, mương nước rộng 2-3m, sâu 1-2m. Có thể chủ động việc thoát nước. Trên mô đất bà con tiến hành rải phân theo liều lượng gấp đôi so với đào hố, sau đó tiến hành cày xới để trộn đều phân vào đất
- Việc chuẩn bị hố trồng, mô đất... cần tiến hành ít nhất 15-30 ngày so với thời điểm xuống giống
V - Kỹ thuật trồng sầu riêng
- Dùng dao hoặc kéo nhẹ nhàng cắt lớp nilon của bầu ươm, tránh làm bể bầu. Đặt cây con vào chính giữa hố trồng. Nếu đất dốc thì mặt bầu thấp hơn mặt đất 5-10cm. Đất trũng thì cao hơn mặt đất 5-10cm. Phần sát gốc nên vun cao để tránh đọng nước
- Sau khi trồng tiến hành tưới nước ngay kết hợp với cắm cọc cố định cây
- Trồng trong mùa khô cần tiến hành che nắng, chắn gió bằng tàu lá dừa hoặc lưới nilon đen, thường xuyên kiểm tra và cung cấp đủ nước cho cây phát triển
- Có thể trồng sầu riêng quanh năm, tuy nhiên thời điểm tốt nhất là từ tháng 4-6 DL (đầu mùa mưa cuối mùa khô)
Chăm sóc cây sầu riêng mới trồng |
VI - Chăm sóc cây sầu riêng
a - Giai đoạn kiến thiết cơ bản (từ năm thứ nhất đến năm thứ 4)
- Tưới nước: Giai đoạn này cần thường xuyên cung cấp đủ nước cho cây phát triển, mùa khô nên phủ gốc bằng rơm rạ, vỏ trấu, xác bèo... thường từ 7-10 ngày tiến hành tưới 1 lần, có thể đánh bồn để việc tưới nước và bón phân thuận lợi hơn
- Bón phân: Năm đầu tiên và năm thứ 2 cần thường xuyên bón thúc bằng phân đạm hoặc phân NPK có tỷ lệ đạm + lân cao. Hòa vào nước tưới vào gốc. Mỗi năm khoảng 200g - 300g/cây, bón cách nhau 1-2 tháng/lần. Năm thứ 3-4 tăng lượng phân lên gấp đôi, đồng thời bổ sung thêm phân chuồng (15-20kg/gốc, bón bằng cách đào rãnh theo hình chiếu của tán cây, rãnh đánh đối xứng quanh gốc). Phân trung - vi lượng nên đổ gốc hoặc phun qua lá, mỗi năm phun 1-2 lần
- Cắt tỉa cành: sau khoảng 1 năm, cây bắt đầu đâm chồi nhiều, tiến hành chọn 1 chồi khỏe mạnh nhất, vươn thẳng để giữ lại làm thân chính, cắt bỏ các chồi khác. Từ thân chính giữ các cành ngang tỏa đều các hướng, giúp cây vững chắc tránh được ảnh hưởng của gió bão.... khi cây cao khoảng 2m, cắt các cành ngang sát mặt đất, tạo độ thông thoáng
- Làm cỏ: Giai đoạn cây còn nhỏ, để tận dụng đất trống và hạn chế cỏ dại nên xen canh các cây rau màu họ đậu, chú ý nên cân đối về khoảng cách trồng và chiều cao cây để tránh cạnh tranh không gian sinh trưởng của sầu riêng. Tiến hành làm cỏ bằng cuốc, tránh dùng thuốc xịt cỏ
b - Giai đoạn bắt đầu kinh doanh:
- Năm thứ 4 - thứ 5 sau trồng cây bắt đầu ra trái bói. Những năm đầu trái thường rất to, do đó nên giữ lại số lượng quả vừa đủ theo thể trạng của cây, nên giữ các trái ra ở sát thân, tránh làm cây mang quả quá nặng dễ gãy cành, ảnh hưởng đến các vụ sau
- Tưới nước: Giai đoạn cây đã khá cao, bộ rễ ăn sâu nên việc tưới nước không cần nhiều nhưng phải đủ, thường thì mùa khô tưới 2-3 đợt, mỗi đợt cách nhau 25-35 ngày. Có thể đánh bồn rộng 3-5 met xung quanh gốc để tưới nước thuận lợi hơn
- Bón phân: Mỗi 2 năm bón bổ sung thêm phân chuồng (15-20kg/gốc) bón bằng cách đào rãnh đối xứng quanh gốc dựa theo hình chiếu của tán cây. Thay đổi vị trí giữa các lần bón. Phân đa lượng nên dùng phân NPK chia thành 3 lần bón, mỗi gốc 300g - 500g, Năm thứ 8 trở đi mỗi gốc 800g - 1000g. Giai đoạn cây nuôi trái nên tăng tỷ lệ Kali trong phân để tăng chất lượng trái, giảm hiện tượng sượng múi. Phân trung-vi lượng, phun qua lá hoặc đổ gốc, mỗi năm 1-2 lần (bón hoặc phun vào ngày mát trời)
- Cắt tỉa cành: Nếu trồng thuần có thể nuôi cành ngang cách mặt đất từ 1-1,5m. Trồng xen thì tầng cành đầu tiên phải cách tán cây bên dưới 1-2m. Mỗi tầng cành cách nhau 40-60cm. có 4-5 cành cấp tỏa đều ra các hướng. Hãm ngọn cây ở độ cao 7-10m.
- Làm cỏ: Giai đoạn này có thể sử dụng thuốc trừ cỏ, do vỏ cây đã gỗ hóa ít bị ảnh hưởng. Cũng có thể trồng các loại cây chịu bóng như gừng, đinh lăng lá nhỏ để cải thiện thu nhập, hạn chế được cỏ dại
VII - Phòng trừ sâu bệnh cho sầu riêng
Phần này tương đối dài do đó chúng tôi sẽ tách thành một bài viết riêng và gửi đến bà con trong thời gian tới. Nhìn chung bệnh hại trên sầu riêng có thể chia thành 2 nguyên nhân: Do côn trùng, sâu bọ và do các loại nấm, vi khuẩn
- Sâu bọ hại sầu riêng
- Nấm bệnh hại sầu riêng
VIII - Thu hoạch và bảo quản sầu riêng
- Tùy theo giống mà thời gian đeo quả trên cây ngắn hoặc dài, thông thường từ lúc ra hoa đến khi thu hoạch thường kéo dài 4-6 tháng. Nếu lượng quả nhiều cần tiến hành các biện pháp néo, chống để tránh gãy cành
- Quả thường được thu hoạch khi đủ độ già (gõ vào quả nghe tiếng kêu rỗng hơn bình thường, phần này dựa rất nhiều vào kinh nghiệm của người trồng) hoặc để cho quả tự rụng (bảo quản được ngắn hơn, nhưng ăn sẽ ngon hơn).
- Sau khi thu hoạch nên tiến hành vận chuyển đến nơi tiêu thụ ngay, vì quả chín rất dễ bị nứt vỏ, bị lên men, vị sẽ chuyển sang chua, ăn mất ngon, giảm giá trị thương phẩm.
- Ngoài ra cũng có thể tách phần thịt, cho vào túi ép chân không, bảo quản đông lạnh sẽ để được lâu hơn. Hiện nay đa số sầu riêng xuất khẩu đều bảo quản theo phương pháp này
Như vậy qua bài viết này, hy vọng bà con đã nắm được các kỹ thuật trồng và chăm sóc cây sầu riêng. Chúc bà con thành công. Trường hợp có nhu sầu mua cây giống sầu riêng, bà con có thể đến tham quan và mua cây tại địa chỉ của chúng tôi theo thông tin sau
TRUNG TÂM GIỐNG CÂY TRỒNG TIẾN ĐẠT
Địa chỉ: 280 Nguyễn Lương Bằng, TP. Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk
Vườn ươm: 304/57 Nguyễn Lương Bằng, TP. Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk
Điện thoại tư vấn: 0944 333 855 - Chị Thu
Giấy phép kinh doanh: 40A8026362
Hân hạnh được hợp tác cùng bà con!
0 nhận xét